KINH NGHIỆM MỞ TIỆM PHOTOCOPY

 KINH NGHIỆM MỞ TIỆM PHOTOCOPY - CHIA SẺ ĐỂ CÙNG PHÁT TRIỂN: (HƠI DÀI NHƯNG CHẮC SẼ CÓ ÍCH CHO AI ĐÓ)



Lang thang dạo thấy có khá nhiều cmt hỏi chia sẻ kinh nghiệm mở tiệm photocopy. Chưa thấy ai viết nên hôm nay mạo muội lướt vài nút phím, đi vài đường văn chia sẻ kinh nghiệm của riêng bản thân mình đến các bạn muốn làm “đồng nghiệp” như sau:
1/ Tâm lý - Việc đầu tiên theo mình làm nghề không nằm ở chỗ bạn biết photo chứng minh, scan hộ khẩu, ép bằng lái hay không (vì điều này sẽ tự tích lũy được trong quá trình làm việc) mà là bạn đã thật sự muốn làm nghề hay không? Ở đây, bạn phải chuẩn bị tâm lý rằng: Bỏ tiền đô (máy móc phụ tùng giá USD), thu tiền lẻ (VNĐ). Nếu không chắc chắn theo lâu dài, bảo đảm rất nhiều thứ khiến bạn phải bỏ cuộc - Đây là điều mình chắc chắn. Nghề nào cũng có khó khăn vất vả, đặc biệt là ngành photo đang bị bão hòa, nếu mang tâm lý đứng núi này trông núi nọ vì thấy người ta làm dễ ăn (người ta đã trải qua bao nhiêu biến cố, khó khăn vất vả mới có được) mà lao ngay vào mở cửa hàng để rồi sa lầy.




2/ Kiến thức và tay nghề: Đây là điều kiện tiên quyết để lót đường cho sự nghiệp, trang bị cho mình các kiến thức cũng như kỹ năng về nghề như:
Kiến thức ở đây bao gồm kiến thức thị trường cũng như kiến thức máy móc:
a/ Kiến thức thị trường:
- Khi mở cửa hàng. Hãy chắc chắn rằng mặt bằng đảm bảo đủ không gian, giá cả hợp lý - Đừng nghĩ 1 chiều thấy: À, trước cửa đại học chắc chắn ngon - Mặt bằng ngon đồng nghĩa giá tiền cao, áp lực kinh tế của bạn sẽ cao hơn. Mà nếu ngon thì tại sao còn tới lượt newbie như mình? Hãy luôn đặt câu hỏi, khảo sát xung quanh, để chắc chắn rằng mình chọn chỗ hợp lý về giá cả - chủ cho thuê có tốt không cũng là 1 điều nên tìm hiểu. Chỗ thuê phải cao ráo, tránh ngập nước khi có triều cường hay mưa lớn - máy photo mà bơi trong nước thì bạn tự hiểu. Điều này sẽ tuyệt vời hơn nếu bạn có sẵn mặt bằng.
- Thị hiếu chung của thị trường xung quanh: Nên cung cấp các dịch vụ cần thiết cho mặt bằng chung, khảo sát kỹ tầng lớp xung quanh ta là thành phần gì mà từ đó chọn dịch vụ cho phù hợp. Ví dụ: Xung quanh bạn đa số học sinh tiểu học, hay văn phòng nhỏ lẻ, bạn mua cái máy in phông bạt về thì in cho ai? Hay xung quanh chỉ đa số là những người lao động phổ thông, bạn vác cái máy in màu A0 về thì chết dở?.
b/ Kiến thức máy móc: Ít nhất phải biết về máy đang muốn mua, đã từng trải qua quá trình làm việc hay học nghề. Vì máy photo là 1 kết cấu phức tạp, khi vận hành thì hầu như toàn bộ phụ tùng đều hoạt động dù bạn chỉ photo 1 tờ. Hãy mạnh dạn tự học sửa chữa những cái từ cơ bản đến phức tạp (phần cứng). Có rất nhiều nguồn trên youtube để tham khảo. Vì không phải ai cũng gặp được những người thợ có tâm, nếu ta không am hiểu, họ dễ dàng làm ta phải mất kha khá tiền. Hãy tự cho mình can đảm, dám học hỏi, hy sinh để bổ sung kiến thức.
c/ Kiến thức chọn máy: (Đây là ý kiến riêng) Có nhiều hãng cung cấp máy móc. Nhưng đa dụng vẫn là 2 dòng: Toshiba và Ricoh. Mình từng trải qua cả 2 dòng nên nhận xét Ricoh có phần “trâu bò” hơn người anh em Toshiba. Mặc dù giá thành cao hơn, nhưng về thay thế linh kiện, vệ sinh máy móc đỡ cực hơn. Máy tích hợp khá gọn, dễ dàng tháo lắp, thay thế.
3/ Vốn - Tất nhiên đây là điều không thể thiếu. (Ai vốn mạnh có thể bỏ qua khâu này).
- Trong ngành này thì đừng có quan niệm “vay vốn ngân hàng”, “vay nóng” để mở tiệm - Bể sọ như chơi. Hãy lên kế hoạch cụ thể, số tiền phải chi. Bắt đầu khởi nghiệp gói gọn trong 3 chữ: “Chưa có khách”. Vì sao tôi nói thế - “Vì bạn đâu phải độc quyền”, mở cửa ra làm khi xung quanh đầy rẫy tiệm thế kia thì bạn phải có sức “chịu trận” ít nhất vài tháng. Ví dụ, bạn có 100tr - tiền nhà và các khoản lặt vặt cho là 10tr/tháng. Thì hãy mua máy móc, thiết bị gói gọn trong tầm 60-70tr. còn lại là số tiền dự phòng cho bạn “chưa có khách” mà chịu trận được vài tháng.
- Vốn ít, chưa kinh nghiệm, nên bắt đầu từ những việc đơn giản. Mục này sẽ liên quan mật thiết tới những điều nói dưới đây.
4/ Hãy tự cho mình là “đầy tớ” trước khi làm “ông chủ”.
Ai cũng biết, không 1 ai sinh ra là đã biết chạy trước khi biết bò, trườn. Làm việc cũng vậy. Nếu bạn còn bỡ ngỡ, chưa nhiều kinh nghiệm, hãy mạnh dạn, đừng xấu hổ mà xin vào học nghề ở 1 tiệm nào đó. Và khi ở đó, hãy cố gắng học hỏi, quan sát, bổ sung những cái mình chưa vững, chưa làm được. Dù cho mức lương có làm mình cảm thấy “không tương xứng”, nhưng đó sẽ là bàn đạp vững chắc cho chiếc ghế “ông chủ” của bạn. Đừng bao giờ nghĩ: “Tôi biết pho chứng minh rồi, biết đánh máy vi tính rồi” nên tôi sẽ làm “ông chủ” - Đây là 1 quan niệm sai lầm và bạn sẽ trả giá cho cái “tôi” của mình một cách nhanh chóng.
5/ Không được phép cho bản thân thốt ra câu: “Tôi không biết làm” khi có khách yêu cầu 1 việc gì đó (trừ khi vượt quá khả năng cung cấp dịch vụ).
Nếu là 1 người mới mở tiệm, chắc hẳn không tránh khỏi nhiều điều mới mẻ. Vì thế, hãy tự cho phép bản thân “xấu hổ” vài lần, không có gì xấu cả. Nếu cái gì không biết làm, hãy tự lên mạng học hoặc tham khảo ý kiến của người đi trước. Ví dụ: khách yêu cầu đánh máy chỉnh sửa gì đó. OK! Hãy giữ lại file đó, sau đó hãy tìm hiểu ngay và tự thao tác làm. Nếu bạn cho rằng “Tôi không biết làm” thì bạn sẽ không nâng cao tay nghề được. Mà hãy luôn đặt câu hỏi: “Photo hộ khẩu thế nào?”, “Chỉnh các chế độ mực sao khi khách nói mờ?”, “Ghép 4 trang A4 thành quyển sách làm sao?” và phải nói: “Mình chắc chắn làm được”.
6/ Liên kết với những người cùng ngành nghề:
- Ông bà xưa có câu: “Ở nhà nhờ cha mẹ, ra đường nhờ bạn bè”. Nghề photo là “nghề dạy nghề”, không ai cầm tay chỉ việc hết được, và cũng không có 1 cuốn “Giáo trình” nào dạy từ A - Z cả. 1 cuốn hộ khẩu cũng có nhiều cách pho khác nhau. Cho nên đừng tự “chơi 1 mình” và cho là "ta đây thông thái". Hãy liên kết với những người xung quanh, group, tạo 1 mối liên kết mạnh mẽ để khi có những cái chưa hiểu, chưa biết thì sẽ có nhiều hướng đi cho 1 vấn đề mà mình gặp phải.
- Nên chọn mở tiệm ở những nơi không quá đông tiệm photo, và cũng không quá ít - tốt nhất dao động từ 3-4 tiệm. Vì nếu quá đông, bạn thử nghĩ bạn cưa cẩm 1 em chân dài có 10 anh theo đuổi dễ hơn là 2-3 anh không? Nếu quá ít hoặc không có tiệm xung quanh, đôi khi bạn cần gấp gì đó mà máy hư, hay 1 phụ tùng nhỏ không mua kịp, hoặc đột ngột hết giấy, bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của những tiệm xung quanh 1 cách nhanh chóng.
7/ Đa dạng loại hình dịch vụ:
- Tất nhiên rồi, phải đa dạng thôi vì ngành photo đã bão hòa, nên ta phải có nhiều hướng đi hơn để tăng thu nhập. Với những newbie, ta nên bắt đầu từ việc nhỏ và dễ như: Ép plastic, đánh máy vi tính, bán thêm các loại VPP, hồ sơ xin việc, in màu… Khi ổn định thì có thể nghĩ thêm đến chụp hình thẻ, làm name card… Nếu có vốn cũng có thể nghĩ tới in bạt, bảng quảng cáo v.v… Nhưng dù làm gì đi nữa, hãy chắc chắn rằng bạn phải có trách nhiệm với việc mình mở rộng, không phải cứ mở ra rồi phục vụ qua loa lấy tiền cho xong. Nếu không có trách nhiệm công việc đó, khách hàng chỉ đến với bạn 1 lần.
- Nếu quy mô mặt bằng nhỏ, không đủ để máy móc hoặc chưa rành việc. Bạn cũng có thể nghĩ đến việc liên kết với các cửa hàng cung cấp dịch vụ như: bìa mạ vàng, ghi đĩa, in phông bạt, name card v.v…. Bạn có thể thiết kế và đưa họ in - và hãy nói: “Em làm nghề này, nên anh/chị lấy giá thợ cho em”. Đôi khi cùng ngành nghề tương ứng, họ cũng sẽ làm giá rẻ hơn so với khách vãng lai, điều này cũng có thể giúp bạn hưởng tí chênh lệch và có thêm thu nhập.
8/ Liên kết với những nhà cung cấp giấy - mực uy tín, chất lượng:
- Đừng vội thấy những lời quảng cáo “mật ngọt” như: Mực em bán chất lượng, giấy anh bán ok… Nhất là các mặt hàng cơ bản như: Mực, Từ…. là những cái không thể châm bừa vào được. Nếu sản phẩm kém chất lượng, nó sẽ kéo theo nhiều hư hỏng trong máy móc. Hãy khảo sát toàn bộ thị trường xung quanh, xem giá cả chênh lệch thế nào, khả năng cung cấp của họ có đầy đủ không, họ có đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp hay không?. Nên chọn 1 nhà cung cấp có đầy đủ các thứ mình cần, tránh việc phải mua chỗ này xấp bìa thái, chỗ kia xấp bìa Fo, chỗ kia cái nhông, chỗ này bịch mực. Rất mất thời gian.
- Chọn 1 nhà cung cấp máy móc, linh kiện có đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp, uy tín. Để 1 khi máy móc có sự cố bất ngờ (điều này không bao giờ tránh khỏi), bạn sẽ có cách xử lý nhanh chóng hoặc được bảo hành hay nhận được sự chỉ dẫn tạm thời khi họ chưa đến kịp. Khi đó, bạn sẽ bớt lo phần nào về sự cố máy móc, tránh việc đang làm hàng mà phải chờ thợ 2-3 ngày mới tới.
- Và quan trọng hơn hết đó là “công nợ” giấy. Có thể chỗ kia giấy cao hơn 1 chút, nhưng họ sẽ cho bạn “nợ” ít nhất 10-14 ngày thì hãy nên chọn hơn là 1 chỗ rẻ mà không cho nợ. Nghề này đôi khi bạn phải bị khách “nợ”, đồng vốn không thể xoay nhanh được nên việc chọn 1 chỗ cho nợ, áp lực kinh tế sẽ giảm đi rất nhiều.
9/ Chăm sóc khách hàng: Khách hàng là nền tảng cho sự nghiệp của bạn, bạn có 1 nhiều khách hàng trung thành, bạn đã thành công. Nhưng làm sao để khách trung thành? 1 câu hỏi đa chiều với nhiều khái niệm khác nhau. Nhưng mình gói gọn những điều cơ bản sau:
- Luôn đặt mình vào vị trí khách hàng mà cảm nhận. Hãy làm “tốt hơn” mong đợi của khách trong khả năng của mình dù khách không yêu cầu. Ví dụ: khách cần photo 100 tờ đơn xin việc, họ đưa bản mẫu quá xấu, hãy lên mạng down về chỉnh sửa lại cho đẹp và giống bản gốc.
- Luôn đặt lợi ích kinh tế của khách lên hàng đầu. Ví dụ: Khách yêu cầu đóng sách và ép plactis tài liệu học sinh, mình có thể tư vấn đóng bìa kiếng cho rẻ. Hoặc khách đòi in màu 1000 tờ rơi, mình có thể tư vấn họ nên chọn những nơi in offset chẳng hạn, giá thành sẽ rẻ hơn mà lại đẹp hơn… Những điều này sẽ tạo nên thiện cảm của khách với bạn.
- Hãy luôn trung thực với khách - Vì không phải ai cũng hiểu hết loại hình dịch vụ của mình. Nên hãy trung thực, đừng ép khách phải chọn loại dịch vụ giá cao hơn hay không đúng bản chất của nó. Nếu bạn làm vậy, bạn thắng được ít tiền trong nhất thời nhưng bạn sẽ mất khách.
- Khách hàng rất công bằng, dù xung quanh bạn có 10 tiệm, giá rẻ hơn nhưng khi khách hàng có thiện cảm với bạn, thì dù bạn có đóng cửa ngủ trưa, họ cũng sẽ chờ đến chiều quay lại.



10/ Thái độ làm việc:
- Nếu bạn làm việc với 1 phong cách “hời hợt”, bạn sẽ chẳng bao giờ có 1 nguồn khách ổn định. Hãy làm việc 1 cách tỉ mẫn dù là việc dễ hay khó, không qua loa đại khái cho xong để lấy tiền. Luôn biết nhận sai khi mình làm không đúng yêu cầu và sửa sai ngay, tránh việc tiếc của mà tranh cãi khi mà mình làm không đạt yêu cầu.
- Làm việc đôi khi máy hỏng, công việc không thuận lợi, áp lực tiền thuê… khiến ta bực bội. Nhưng đừng ném sự bực bội đó vào khách hàng. Đôi khi khách photo có 1 cái CMND, nhưng đúng lúc mình bực, mình photo khuyến mãi thêm sự hằn học thì không nên. Biết đâu hôm nay họ photo 1 cái CMND, nhưng ngày mai họ photo 100 hay 1000 tờ khác thì sao?.
Kết: Mình luôn tôn trọng nghề của mình chọn và tôn trọng tất cả các bạn đồng nghiệp. Nên, nếu bạn nào muốn “khởi nghiệp” đọc mà thấy hay, có thể chia sẻ lại cho người khác. Bạn chia sẻ với tên của mình hay bạn copy cho người khác xem, điều đó không quan trọng. Quan trọng là những chia sẻ này đến được với người cần. Và bất kỳ 1 “đồng nghiệp” nào cần sự giúp đỡ, mình sẽ chia sẻ tất cả với khả năng của mình.
CHÀO MỪNG CÁC “SIÊU TÂN BINH” ĐẾN VỚI “TÂN THẾ GIỚI” PHOTOCOPY.

Đăng nhận xét

0 Nhận xét